Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 29 đơn vị có chức năng dịch vụ viêc làm, trong đó chỉ có 2 trung tâm dịch vụ việc làm được thành lập theo Luât Lao động, còn lại 27 cơ sở tư nhân ra đời theo Luật Doanh nghiệp với chức năng đa nghành nghề.
Theo Sở Lao động- Thưong binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, mỗi năm có 16.000-17.000 lao động được giới thiệu việc làm, chiếm 60-65 % số lao động trên đia bàn. Nhiều trung tâm hoạt động như trung tâm Dịch vụ việc làm Vĩnh Phúc (thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) mỗi năm tư vấn và giới thiệu việc làm cho hàng ngàn lao động, đồng thời liên kết đào tạo cung ứng lao động trực tiếp cho các doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã đào tạo được 1300 lao động may công nghiệp, trong đó 90% số lao động đã có việc làm và thu nhập ổn định. Trung tâm Dịch vụ việc làm Liên đoàn lao động, từ năm 1997 đến bay đã cung ứng trên 60% số lao động cho các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Người lao động đến với các trung tâm dịch vụ việc làm nhà nước ngày càng nhiều vì chi phí thấp và hiệu quả cao.
Tuy nhiên, nhiều trung tâm đã “mượn gió bẻ măng” tạo ra thị trường việc làm ảo khiến cho nhiều người lao động bị lừa. Đến một cơ sở giới thiệu việc làm tại đường Mê Linh, thị xã Vĩnh Yên được biết, từ đầu năm đến nay, có gần 200 người đến đăng ký tìm việc làm, trong khi đó chỉ có 40 % lao động được giới thiệu việc làm, với mức thu phí từ 500000 –1,5 triệu đồng/người tùy theo nghành nghề. Nếu không được tuyển dụng, người lao động sẽ được hoàn trả lại tiền, Trung tâm chỉ giữ lại mức phí là 10.000 – 20.000 đồng. Trên thực tế, để lấy lại được số tiền trên, người lao động phải đi lại rất nhiều lần, thủ tục nhiêu khê nên nhiều người đành chịu mất. Nhiều cơ sở còn thu phí rất cao(4-5 triệu đông) với lời hứa sẽ có việc làm ngay, nhưng nhiều “ lời hứa” này cũng đã “gió bay”.