Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Sign In

Tọa đàm về kinh nghiệm giải quyết các cuộc đình công không theo trình tự, thủ tục do pháp luật qui định

05/11/2010

Cuộc toạ đàm nói trên do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 5/11/2010, tại Hà Nội. Tham dự cuộc toạ đàm có Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân; ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển quan hệ lao động; đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động, Ban quản lý khu công nghiệp – khu chế xuất các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc.

Hơn 15 năm qua, cả nước đã xảy ra khoảng 4.000 cuộc đình công và tất cả đều không theo trình tự, thủ tục do luật pháp qui định, kể cả sau năm 2006, khi một số nội dung của Chương 14, Bộ luật Lao động đã được sửa đổi. Hiện tượng này luôn là mối quan tâm của các cấp chính quyền, các cơ quan, tổ chức có liên quan, của bản thân doanh nghiệp nơi xảy ra đình công, của các doanh nghiệp khác và bản thân người lao động. Đại đa số các cuộc đình công cho đến nay đều diễn ra một cách hoà bình, chưa gây tác động tiêu cực tới an ninh, trật tự xã hội nhưng các cấp chính quyền đều quan tâm đến việc làm thế nào để kiểm soát được tình hình, tránh để đình công phát triển đến mức ảnh hưởng đến trật tự, an ninh xã hội, đời sống và việc làm của người lao động, đến bản thân doanh nghiệp nơi xảy ra đình công và môi trường đầu tư.

Do Bộ luật Lao động hiện nay mới qui định trình tự, thủ tục để một cuộc đình công diễn ra đúng luật và trình tự, thủ tục để giải quyết một cuộc đình công đúng luật. Bởi vậy, khi xảy ra đình công hay dừng việc tập thể không theo trình tự, thủ tục qui định trong luật thì về mặt lý thuyết, các giải pháp, trình tự, thủ tục để giải quyết các cuộc đình công này mang tính luật định cũng chưa có.

Tại cuộc toạ đàm, đại diện Trung tâm Hỗ trợ Phát triển quan hệ lao động đã trình bày báo cáo sơ bộ nghiên cứu giải quyết đình công không theo trình tự, thủ tục do luật pháp qui định, trong đó đề cập tới 3 nhóm vấn đề cần nghiên cứu và thảo luận, đó là: Về cơ chế, thiết chế giải quyết các cuộc đình công không theo luật hiện nay; Về các bước (qui trình) tiến hành trung gian hoà giải đối với các tranh chấp về lợi ích khi xảy ra đình công tự phát; Nhận định xu hướng phát triển của đình công trong những năm tới và những giải pháp thích hợp để giải quyết đình công.

Cũng tại cuộc tọa đàm, các đại diện các tỉnh, thành phố đã chia sẻ kinh nghiệm của địa phương mình trong giải quyết các vụ đình công không theo qui định của pháp luật, đó là: Phát huy vai trò của Tổ công tác liên ngành trong giải quyết tranh chấp lao động, đình công ở Hà Nội; Tăng cường năng lực hỗ trợ của Nhà nước trong giải quyết tranh chấp lao động, đình công tại tỉnh Bắc Ninh; Tăng cường đối thoại xã hội trong doanh nghiệp nhằm ngăn ngừa tranh chấp lao động, đình công trong khu công nghiệp, khu chế xuất Hải Phòng; Tăng cường biện pháp ngăn ngừa, hạn chế các cuộc tranh chấp lao động, đình công không theo trình tự qui định của pháp luật trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ./.

Xem