Trong hai ngày 29 – 30/9/2010, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật (TTPBPL) cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp. Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, đại diện một số ban, ngành, đoàn thể và một số Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh phía Bắc.
Tại hội thảo, Ban điều hành “Đề án TTPBPL cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp từ 2009 – 2012” (Đề án 31) trình bày báo cáo đánh giá kết quả hoạt động năm 2009 và 6 tháng đầu năm 2010 và kế hoạch những năm tiếp theo. Cũng tại hội thảo, các đại biểu được nghe các chuyên gia Hoa Kỳ trao đổi các kinh nghiệm quốc tế về giáo dục pháp luật lao động và đại diện các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chia sẻ kinh nghiệm, mô hình, cách làm hay về việc TTPBPL tại địa phương mình.
Theo báo cáo của Ban điều hành Đề án 31, sau hơn 1 năm triển khai, Đề ánđã đạt được những kết quả bước đầu. Nhận thức của các cơ quan, tổ chức, người lao động và người sử dụng lao động về tầm quan trọng của công tác TTPBPL và sự cần thiết của Đề án đã có những bước chuyển căn bản, nhất là cấp địa phương. Hầu hết các tỉnh, thành phố đã triển khai (trừ hai tỉnh Hà Giang và Hà Nam). Tuy nhiên, Đề án cũng còn những hạn chế, tồn tại là: Hoạt động phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động mới bước đầu được khởi động chủ yếu ở cấp trung ương và cấp tỉnh, thành phố, chưa lan toả đến cấp doanh nghiệp và chưa đồng đều. Tiểu Đề án 2 vẫn chưa triển khai việc soạn thảo và ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho công tác TTPBPL tại doanh nghiệp. Tiểu Đề án 4 mới khởi động ở cấp trung ương và vẫn còn lúng túng do suy thoái kinh tế đã thu hút sự quan tâm của chủ sử dụng lao động đến những vấn đề sản xuất, kinh doanh sát sườn hơn là vấn đề pháp luật nói chung và do tại nhiều địa phương chưa có đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp. Do điều kiện sống, điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn nên bản thân người lao động chưa chủ động tìm hiểu pháp luật. Người sử dụng lao động chưa tạo điều kiện cho người lao động tìm hiểu pháp luật. Những doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền hiệu quả chiếm tỷ lệ thấp. Hoạt động TTPBPL cho người sử dụng lao động chưa kịp thời do chủ sử dụng lao động quan tâm đến vấn đề kinh tế hơn pháp luật lao động. Sự tham gia của chủ doanh nghiệp chưa thể hiện được nhu cầu cần thiết về các điểm cần quan tâm, bồi dưỡng, tập huấn. Một số doanh nghiệp được cập nhật thông tin nhưng triển khai tại doanh nghiệp mình chưa hiệu quả, khó thay đổi thói quen về nhận thức pháp luật lao động.
Trao đổi, thảo luận tại hội thảo, các đại biểu thống nhất rằng hiểu biết về pháp luật lao động của người lao động trong các doanh nghiệp còn rất hạn chế, bởi vậy họ không thể tự bảo vệ quyền lợi của mình và tình trạng này cũng là nguyên nhân gây ra các vụ tranh chấp lao động. Trong khi đó, lãnh đạo các tỉnh, thành phố chưa quan tâm thoả đáng đến việc TTPBPL, nguồn nhân lực, kinh phí cho công tác này còn rất hạn chế. Chính vì vậy, để công tác TTPBPL có hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ với những chế tài cụ thể giữa cơ quan công quyền và các đoàn thể. Cùng với đó, cần triển khai TTPBPL đến người lao động qua các hình thức hiệu quả, thiết thực nhất, đó là: Qua các hội thi; Qua các câu hỏi kèm theo tờ rơi; Qua các hội nghị trực tuyến, khuyến khích các doanh nghiệp phổ biến chính sách mới cho người lao động qua các buổi giao ca. Chế độ lương, thưởng đối với người lao động cần được gắn với việc hiểu biết về pháp luật lao động nhằm khuyến khích người lao động chủ động tìm hiểu về các chế độ, chính sách lao động.
Thảo Lan