Sáng ngày 6/9/2010, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc hội đàm song phương giữa đoàn Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu và đoàn đại biểu Bộ Việc làm (thuộc Bộ Kinh tế và Lao động ) nước Cộng hoà Phần Lan do bà Bộ trưởng Anni Sinnemaki dẫn đầu. Hai Bộ trưởng đã thông báo và trao đổi về tình hình kinh tế - xã hội, phát triển việc làm, thị trường lao động, pháp luật lao động, đặc biệt là các chính sách và thực tiễn liên quan đến lao động nhập cư và khả năng di cư lao động ở cả hai nước.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân, trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề lao động - việc làm và cho đây là cái gốc của vấn đề an sinh xã hội. Thời gian vừa qua, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế thế giới nhưng vẫn là một trong số ít quốc gia duy trì được mức tăng trưởng dương (5,32%). Trong cơ cấu kinh tế, đã giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ. Chính phủ đang tập trung giải quyết vấn đề làm thế nào để cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế; giảm dần lao động nông nghiệp nhưng chất lượng lao động trong khu vực này phải tăng lên. Chính phủ và Quốc hội Việt Nam cũng rất quan tâm đến việc ban hành các chính sách tạo việc làm thay thế, việc làm tốt cho có khả năng tạo thu nhập cho người lao động.
Để tạo việc làm bền vững cho người lao động, vấn đề đào tạo nghề rất được chú trọng. Vừa qua, Chính phủ có chủ trương lớn là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Chính sách này tập trung vào nơi có lực lượng lao động dồi dào nhưng chưa được đào tạo, nhằm động viên những người trong độ tuổi lao động đi học nghề để có việc làm và thu nhập phù hợp với độ tuổi. Ngoài ra, Việt Nam còn tổ chức dạy nghề cho người nghèo, người tàn tật..., tạo cơ hội việc làm cho tất cả các tầng lớp nhân dân.
Bộ trưởng Anni Sinnemaki bày tỏ sự thán phục về việc Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế trong hoàn cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu như thời gian qua. Bà cũng cho biết, Phần Lan là một nước Bắc Âu có diện tích lớn hơn Việt Nam, độ che phủ của rừng là 63% nhưng chỉ có 5,3 triệu dân. Trong đợt khủng hoảng kinh tế vừa qua, là quốc gia mà nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nên Phần Lan bị ảnh hưởng nặng nề. Năm 2009, GDP giảm 8%, tỷ lệ thất nghiệp là 8,6%. Biện pháp của nước này để vượt qua khủng hoảng là vực dậy lĩnh vực xuất khẩu và thương mại quốc tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo nghề. Hiện nay, Phần Lan đang trong giai đoạn phục hồi kinh tế nên chưa cần lao động nước ngoài, nhưng trong 10 năm tới tình hình sẽ thay đổi vì nước này đang phải đối mặt với tình hình dân số già nên sẽ cần nhiều lao động làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, y tế, xây dựng…
Cùng sang Việt Nam làm việc với đoàn lần này còn có đoàn đại biểu của Bộ Thương mại và các doanh nghiệp Phần Lan. Các doanh nghiệp sang Việt Nam lần này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sạch. Hy vọng rằng với kinh nghiệm và tiềm năng của mình, họ sẽ mở ra quan hệ tốt đẹp với Việt Nam thông qua quan hệ thương mại hay đầu tư trực tiếp; đồng thời các doanh nghiệp Phần Lan cũng có thể hỗ trợ kỹ thuật để góp phần vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Hai bên hài lòng ghi nhận Dự án hợp tác giữa vùng Nam Ostrobothnia và Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội đã được khởi đầu thành công và sẽ là cơ sở hướng tới việc thiết lập quan hệ đối tác và mở rộng khả năng hợp tác lâu dài trong đào tạo lao động Việt Nam cho thị trường lao động Phần Lan. Hai Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn sự hợp tác giữa hai Bộ sẽ góp phần vào việc tăng cường quan hệ giữa hai nước và khẳng định cam kết hợp tác hướng tới mục tiêu chung nhằm cải thiện thông tin và hợp tác bền vững trong lĩnh vực an sinh xã hội, xung quanh vấn đề việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp và bình đẳng giới giữa Việt Nam và Phần Lan./.