Ba mươi lăm năm qua, từ khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, cùng với cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh đã bước vào giai đoạn mới của lịch sử dân tộc. Được sự lãnh đạo trực tiếp của Thành ủy, Ủy ban Nhân dân Thành phố và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn do chiến tranh để lại, ra sức tổ chức thực hiện các lĩnh vực công tác, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế xã hội của địa phương với các thành quả chủ yếu sau:
Về lĩnh vực lao động việc làm
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, trên cơ sở hình thành bộ máy quản lý Nhà nước, Ngành Lao động Thành phố chính thức ra đời với chức năng tham mưu cho Thành ủy và Ủy ban Nhân dân Thành phố thực hiện các chính sách đối với người lao động, nhất là góp phần ổn định sản xuất và tạo việc làm cho người dân. Khi bộ máy chính quyền cũ tan rã, đã có hơn một triệu lao động thất nghiệp, vì vậy công việc của ngành thời kỳ này rất khó khăn. Ngay từ những ngày đầu, ngành đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể triển khai nhiều chương trình liên kết, giải quyết nhiều việc làm cho các đối tượng trong xã hội, nhất là số lao động trong độ tuổi thanh niên. Vì vậy, hoạt động của các ngành kinh tế quốc dân đã được ổn định, đại bộ phận người lao động được bố trí làm việc trong các đơn vị sản xuất kinh doanh, hàng năm giải quyết việc làm cho từ 90 ngàn đến 98 ngàn lao động. Trong thời kỳ đổi mới, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 100.000 lao động (giai đoạn 1991-1995), 180.000 lao động (giai đoạn 1996-2000), 210.000 lao động (giai đoạn 2001-2005) và 230.000 lao động (giai đoạn 2006-2010), phấn đấu giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 5% trong năm 2010.
Ngành cũng triển khai nhiều chương trình giải quyết việc làm có hiệu quả cho nhiều đối tượng như: chương trình giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ và lao động nghèo; chương trình giải quyết việc làm cho trí thức chưa có việc làm; lao động dôi dư (thời kỳ 1990-1995); giải quyết việc làm cho thanh niên diện chính sách, thanh niên nghèo và thương binh trẻ v.v. Đặc biệt, Chương trình vay vốn từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm, từ năm 1992 đến nay đã thực hiện được 12.268 dự án, với tổng vốn vay luân chuyển trên 1.514 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 325.478 lao động, chủ yếu là lao động nghèo, lao động diện chính sách, góp phần khôi phục và phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp, nghề truyền thống, chăn nuôi, trồng trọt ở khu vực vùng ven và ngoại thành, tăng sản phẩm xã hội, ổn định trật tự an ninh xã hội.
Về công tác đào tạo nghề: Chương trình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm phát triển với hình thức đào tạo phong phú như: đào tạo tập trung theo kế hoạch, đào tạo tại chức, đào tạo tại xí nghiệp, đào tạo có địa chỉ, bồi dưỡng nâng bậc thợ, đào tạo theo môđun và liên thông đào tạo ngắn hạn và dài hạn. Hình thành được mạng lưới dạy nghề, tổ chức dịch vụ việc làm đến quận, huyện. Tính đến nay, toàn thành phố đã có 389 cơ sở dạy nghề chính thức đăng ký hoạt động, đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy là 5.353 người, quy mô tuyển sinh đào tạo hàng năm của là trên 30.000 học sinh trung cấp nghề, 12000-14000 sinh viên cao đẳng nghề và khoảng 320.000 học viên sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên (không chính quy), góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 58% vào năm 2010, trong đó trình độ trung cấp và cao đẳng chiếm trên 25%.
Về lĩnh vực chính sách cho người có công
Ngay từ những ngày đầu khi Thành phố mới được giải phóng, ngành Lao động - Thương binh - Xã hội (lúc bấy giờ là 02 ngành Lao động và Thương binh - Xã hội) đã được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Thành phố, lãnh đạo Bộ, phối hợp với các cấp, các ngành, đoàn thể làm tốt vai trò tham mưu và tổ chức thực hiện các chính sách đối với thương binh, liệt sỹ và người có công.
Đến nay, toàn thành phố đã có hơn 182 ngàn người được công nhận là người có công với nước, hơn 45.079 người được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên, hơn 6.000 hộ được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở, đất ở v.v. với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 60 tỷ đồng.
Ngoài việc thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách của Nhà nước, Thành phố Hồ Chí Minh với truyền thống thủy chung, uống nước nhớ nguồn đã vận động toàn dân tổ chức thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho những người hưởng chính sách có công, qua các phong trào phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, kết nghĩa thương binh nặng, đỡ đầu con liệt sĩ, phong trào xây dựng nhà tình nghĩa và tặng sổ vàng tiết kiệm v.v. Các phong trào này đã thu hút hàng triệu tấm lòng, hàng trăm tập thể, đã đi sâu vào từng tổ dân phố, đến từng người dân. Đến nay, thành phố đang phụng dưỡng suối đời 910 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng không những trên địa bàn mà còn ở 2 tỉnh bạn là Bến Tre (508 mẹ) và Quảng Ngãi (200 mẹ) với mức hỗ trợ từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng/tháng; xây dựng hơn 15.915 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 173,801 tỷ đồng, tặng 15.000 sổ vàng tình nghĩa với tổng trị giá gần 13 tỷ đồng. Đến nay, đã có 322/322 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn nâng cao đời sống của diện chính sách tại địa bàn dân cư.
Về công tác xóa đói giảm nghèo
Vào đầu thập niên 90, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, tình hình kinh tế-xã hội đã chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và từng bước được nâng cao. Bên cạnh đó, sự phân hóa giàu nghèo diễn ra ngày càng mạnh trong các tầng lớp dân cư, giữa thành thị và nông thôn, tỷ lệ đói nghèo chiếm 20% tổng số hộ dân. Trước thực trạng đó, chủ trương xóa đói giảm nghèo đã chính thức được đặt ra tại Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ V với mục tiêu “phấn đấu thu hẹp và từng bước xóa hộ nghèo”.
Từ năm 1992 đến nay, thành phố đã trợ giúp cho gần 115 ngàn hộ vượt chuẩn nghèo giai đoạn 1; đến cuối năm 2003 đã công bố cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chí của thành phố (tỷ lệ hộ nghèo 0,15% tổng hộ dân), hoàn thành chương trình mục tiêu XĐGN trước thời hạn 2 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần VII đề ra. Đầu năm 2004, địa phương đã triển khai chương trình XĐGN giai đoạn 2 (2004-2010) với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/năm, hoàn thành trước thời hạn 01 năm so với kế hoạch đề ra. Bước vào năm 2009, Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã tập trung triển khai chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 3 (2009-2015) được Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố quyết tâm chỉ đạo triển khai thực hiện, với mức điều chỉnh chuẩn nghèo mới được tăng lên (thu nhập bình quân dưới 12 triệu đồng/người/năm). Tính đến ngày 31/12/2009, tổng số hộ nghèo toàn thành phố theo chuẩn mới là 130.645 hộ với 592.895 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 7,21%.
Về công tác bảo trợ xã hội
Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đông dân nhất cả nước, có tốc độ phát triển cao về nhiều mặt nhưng còn vẫn còn nhiều người nghèo, người gặp khó khăn trong cuộc sống. Ngoài việc trợ cấp xã hội thường xuyên, trợ cấp đột xuất tại cộng đồng cho các đối tượng gặp hoàn cảnh khó khăn, hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội đã được thành phố quan tâm đầu tư nâng cấp, đảm bảo điều kiện tốt để chăm sóc nuôi dưỡng tập trung những người già cô đơn, người tàn tật không nơi nương tựa và trẻ mồ côi. Đội ngũ cán bộ nhân viên tại các cơ sở bảo trợ xã hội luôn tận tâm với công việc, cần kiệm trong việc sử dụng kinh phí, vừa nỗ lực tranh thủ sự tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, vừa tích cực tổ chức sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, từng bước cải thiện cuộc sống cho bản thân, gia đình và đối tượng tại đơn vị. Hiện nay, có khoảng 6.200 đối tượng đang được nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội và có khoảng 43.000 người già cô đơn, tàn tật, trẻ mồ côi đang được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng. Đặc biệt, hệ thống các mái ấm, nhà mở đã phát huy tác dụng rất lớn trong việc chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhà nuôi người già cô đơn cũng được hình thành với sự trợ giúp của nhân dân, góp phần thúc đẩy xã hội hóa công tác xã hội trên địa bàn.
Về công tác phòng chống tệ nạn xã hội
Nhiều năm qua, thành phố đã có những chính sách và biện pháp để đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các tệ nạn xã hội. Trong những năm gần đây, chương trình mục tiêu 03 giảm (giảm tội phạm, giảm ma túy, giảm mại dâm) trong đó giảm ma túy là trọng tâm đã được lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm. Thực hiện chương trình này, địa phương đã tập trung trên 50 ngàn lượt người nghiện ma túy, người mại dâm vào các cơ sở chữa bệnh, Ngành Lao động Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về tác hại của ma túy, mại dâm và HIV/AIDS, đặc biệt từ khi Luật phòng chống ma túy, Pháp lệnh phòng chống mại dâm ra đời.
Để tăng cường hơn nữa hiệu quả của chương trình 03 giảm, trong những năm qua, thành phố đã đầu tư trên 700 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp, mở rộng và xây mới các trường, trung tâm cai nghiện thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội và Lực lượng Thanh niên Xung phong nhằm đảm bảo điều kiện quản lý 30.000 người nghiện ma túy. Thành phố đã nghiên cứu đề xuất Quốc hội khóa XI chấp thuận cho thực hiện Đề án “Tổ chức, quản lý, dạy nghề và tạo việc làm cho người sau cai nghiện”. Trong 5 năm thực hiện Đề án, các Trung tâm đã xét chuyển 38.681 học viên hoàn thành thời gian cai nghiện đưa vào cơ sở giải quyết việc làm cho người sau cai, tổ chức các lớp may công nghiệp, điện cơ, điện gia dụng, kỹ thuật viên tin học, sửa xe, lái xe, mộc mỹ nghệ, gò hàn, thủ công mỹ nghệ…đã cấp 17.279 giấy chứng nhận cho người hoàn thành khoá học và dạy nghề thông qua lao động sản xuất trực tiếp cho khoảng 40.000 lượt người.
Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em
Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em qua các giai đoạn từ năm 1991 – 2000 và 2001 – 2010 đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ, 07 mục tiêu BVCSTE được thành phố đặt ra và giải quyết hiệu quả. Tỷ lệ tử vong trẻ em giảm đều qua các năm. Tỷ lệ tiêm chủng trẻ em đều đạt 100%/năm, tỷ lệ trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí, thẻ BHYT đều đạt 100%/năm, nhiều chương trình phòng chống các bệnh tật liên quan đến trẻ em đều được triển khai đến tận khu phố/ấp nhằm mang lại sự bảo vệ tốt nhất cho trẻ em; tỷ lệ trẻ em đi học tiểu học đúng độ tuổi hàng năm đạt từ 98% trở lên. Ngoài ra, địa phương còn phát triển nhiều cơ sở giáo dục dành cho trẻ em, khuyết tật, đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nâng cao trình độ giáo viên chuyên biệt nhằm đáp ứng số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tương đối lớn (hiện có khoảng 163.171 em, chiếm 10% tổng số trẻ em). Hàng năm, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đều tổ chức những chuyến thăm và tặng quà đối với số trẻ em trên bằng nguồn kinh phí ngân sách và cả kinh phí vận động xã hội, kinh phí từ nguồn hợp tác với các tổ chức cứu trợ trẻ em trên địa bàn.
Thực hiện Chương trình “Ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục và trẻ em lao động năng nhọc trong điều kiện độc hại nguy hiểm”, hàng năm ngành đã hỗ trợ cho hơn 1.000 trẻ em lang thang, trẻ có nguy cơ lang thang về vật chất, phương tiện học tập; hỗ trợ hồi gia về các tỉnh cho hơn 300 trẻ; hỗ trợ học phí học nghề cho khoảng 1.000 trẻ; Tham gia giải quyết các vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em đến nơi đến chốn, thực hiện tư vấn tâm lý, hỗ trợ về luật pháp nhằm bảo vệ trẻ em một cách tốt nhất; Can thiệp giải quyết hơn 400 trường hợp/năm về các vụ việc liên quan đến lao động trẻ em, buộc chủ sử dụng lao động bồi thường vật chất cho các em, ký kết hợp đồng lao động, mua BHXH, BHYT cho trẻ em và yêu cầu cần có trách nhiệm đối với trẻ khi xảy ra tai nạn lao động nhằm đảm bảo cho trẻ em được làm việc trong môi trường an toàn nhất.
Trong 35 năm qua, đội ngũ cán bộ công nhân viên Ngành Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM đã phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, lớp lớp người kế tiếp nhau thực hiện nhiệm vụ chính trị, khắc phục khó khăn; trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp; nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Lê Thành Tâm
Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội