Ngày 19/10/2010, tại Hà Nội , dưới sự bảo trợ của Dự án Ô trong Chương trình hợp tác chung về Bình đẳng giới giữa Việt Nam và Liên hợp quốc, Mạng lưới Truyền thông về giới và bình đẳng giới (Gender Reporting Network - GRN) mới được hình thành từ cuộc Hội thảo tại Nha Trang vào ngày 17 và 18 tháng 9 vừa qua đã tổ chức cuộc họp lần thứ nhất nhằm khởi động hoạt động và thông qua đề cương nhiệm vụ (TOR) của mạng lưới.
Sau phần thảo luận sôi nổi của các đại biểu đến từ Vụ Bình Đẳng giới, Quỹ Dân số của LHQ, nhóm tư vấn cùng các thành viên, cuộc họp đã đi đến thống nhất các nội dung cơ bản của bản TOR.
Theo đó, mạng lưới tổ chức theo nguyên tắc mở. Tất cả các đối tượng có mong muốn tham gia, phấn đấu theo mục tiêu nâng cao nhận thức xã hội về giới và bình đẳng giới và có đóng góp vào việc xây dựng mạng lưới vững mạnh đều có thể gia nhập, bao gồm các thành viên tập thể và các cá nhân như: Các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, các đơn vị nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ Việt Nam và quốc tế ... ; các cơ quan báo chí, truyền thông; các nhà tài trợ trong nước và quốc tế; các phóng viên, biên tập viên thuộc các cơ quan báo chí; các chuyên gia, cố vấn trong nước và nước ngoài về bình đẳng giới và truyền thông; các cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới….
GRN được Bộ LĐ-TB-XH thành lập và bảo trợ. Trong thời gian đầu, mạng lưới sẽ được Vụ Bình đẳng giới hỗ trợ về hành chính, tài chính và kỹ thuật thông qua Dự án Ô. Trong tương lai, mạng lưới sẽ chuyển dần sang cơ chế tự quản. Mạng lưới có Ban Điều phối chịu trách nhiệm điều phối, thúc đẩy các hoạt động của mạng lưới với sự hỗ trợ của Vụ Bình đẳng giới, Dự án Ô và các thành viên là chuyên gia trong lĩnh vực giới và bình đẳng giới.
Mạng lưới sinh hoạt định kỳ 3 hoặc 4 tháng/lần. Ban Điều phối chịu trách nhiệm phối hợp với Vụ Bình đẳng giới, Dự án Ô xác định chủ đề và chuẩn bị nội dung sinh hoạt với các hình thức như họp, tập huấn, cùng đi thực tế để viết bài; gặp gỡ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong các sự kiện
Các thành viên tham gia mạng lưới là các phóng viên, biên tập viên sẽ được ưu tiên đưa tin, bài về các hoạt động về giới và bình đẳng giới; được mời tham gia các khoá đào tạo, tập huấn do Vụ Bình đẳng giới, Dự án Ô và mạng lưới tổ chức nhằm nâng cao tính nhạy cảm giới trong các bài viết, sản phẩm truyền thong; được mời tham gia và hỗ trợ kinh phí đi thực tế, viết bài, đưa tin về các hoạt động liên quan đến bình đẳng giới; Được chia sẻ và cập nhật thông tin từ các thành viên khác và từ các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Từ nay đến hết tháng 6/2010, mạng lưới dự kiến sẽ tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng lồng ghép giới, phản ánh các vấn đề về bình đẳng giới trong các sản phẩm truyền thông kết hợp với đi thực tế viết bài cùng nhiều hoạt động khác.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới đã bày tỏ vui mừng vì đã có một mạng lưới truyền thông về giới và bình đẳng giới, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tiến tới thay đổi hành vi về lĩnh vực này. Ông Phạm Ngọc Tiến cũng lưu ý đến khía cạnh pháp lý khi thành lập mạng lưới; vấn đề nâng cao chất lượng hoạt động để mạng lưới ngày càng hiệu quả và có tính bền vững. Vụ Bình đẳng giới, Dự án Ô sẵn sang hỗ trợ về tài chính, thủ tục pháp lý, cung cấp thông tin, phối hợp tập huấn, hội thảo và chia sẻ kinh nghiệm để mạng lưới có thể hoạt động tốt nhất.