Ngày 24/9/2010, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) tổ chức hội thảo mang chủ đề “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận với dịch vụ pháp lý - Thực trạng và kiến nghị”.
Theo số liệu điều tra mức sống hộ gia đình năm 2008 của Tổng cục Thống kê, 2 vùng Tây Bắc và Tây Nguyên có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước với 35,9% và 21%, đây cũng là hai vùng có tỷ lệ người dân tộc thiểu số sinh sống cao nhất. Đặc biệt, phụ nữ dân tộc thiểu số còn dễ tổn thương hơn so với nam giới dân tộc thiểu số vì họ ít có cơ hội tiếp cận nguồn lực hơn, thiếu quyền sở hữu các phương tiện sản xuất, khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cũng hạn chế hơn. Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình đã được thông qua, nhưng trên thực tế, để thực hiện hiệu quả các đạo luật trên trong cộng đồng dân tộc thiểu số, điều kiện cần thiết là nhóm đối tượng này, nhất là người phụ nữ, phải được tiếp cận bình đẳng các nguồn lực và dịch vụ xã hội, trong đó, quan trọng nhất là dịch vụ pháp lý. Mục đích của dịch vụ pháp lý là nhằm đảm bảo công bằng pháp luật, quyền bình đẳng giữa các công dân trong việc tiếp cận, sử dụng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật, bảo vệ lợi ích của cộng đồng.
Năm 2003, UNDP đã có một khảo sát về tiếp cận công lý với 1.000 người dân, cho thấy có 84% số người được hỏi (sống ở vùng núi) không biết đến các trung tâm trợ giúp pháp lý. Rào cản đối với việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ pháp lý của phụ nữ dân tộc thiểu số trước hết là mang tính cá nhân do chưa có thói quen sử dụng, do bị mù chữ, không hiểu hoặc không biết tiếng Việt, họ cũng gặp khó khăn về địa bàn, bản tính ít di chuyển cũng là một trở ngại lớn. Bên cạnh đó là những rào cản mang tính văn hoá, tính kinh tế, tính thể chế. Cụ thể là việc hoà giải tại cộng đồng dân cư thường không đúng hoặc chưa hiệu quả, một phần nguyên nhân của vấn đề này là do năng lực của cán bộ cung cấp dịch vụ pháp lý cho người dân tộc thiểu số đang hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng, chưa kể, vẫn còn sự kỳ thị và phân biệt đối xử với nhóm đối tượng này…
Hội thảo cũng đã đưa ra thảo luận về cách thức cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ pháp lý của phụ nữ dân tội thiểu số, khuyến nghị cải thiện cung, cầu, khuyến nghị liên quan tới chính sách và khung pháp lý đối với các dịch vụ pháp lý…