Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Sign In

Quỹ Dân số Liên hợp quốc cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các chương trình về bình đẳng giới và phòng, chống mại dâm

05/06/2009

Chiều 04/6/20009, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân đã có buổi làm việc với ông Bruce Campbell, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA). Nội dung chương trình gồm 2 vấn đề: bình đẳng giới và mại dâm. Đây được xem là các vấn đề phức tạp mà Chính phủ Việt Nam và cơ quan đầu mối đứng ra điều phối là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác chặt chẽ của các tổ chức nước ngoài như UNFPA.

Năm 2009, Việt Nam đã thông qua Luật Bình đẳng giới, tính lồng ghép trong lĩnh vực này rất cao, thể hiện qua tất cả các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Nhưng, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân, trong khi nhận thức của đại bộ phận người dân và cả cấp quản lý Nhà nước chưa cao thì yếu tố cần tính đến đó là năng lực tổ chức lồng ghép của chúng ta còn hạn chế. Do đó, trong thời gian tới, rất mong sự giúp đỡ của UNFPA trong các sáng kiến, các chương trình chung để khác phục những hạn chế đó. Đồng thời, trong Luật Bình đẳng giới có 8 nội dung cơ bản nhất cần phải được cụ thể hoá bằng những thể chế, UNFPA có thể giúp cho Việt Nam xây dựng khung thể chế này. Về vấn đề mại dâm, ông Trưởng đại diện UNFPA chia sẻ, trước khi sang nhận nhiệm vụ ở nước ta, ông đã có thời gian hoạt động 5 năm ở Zimbabue, một quốc gia mà có quá nửa người nhiễm HIV nhưng trong số đó, có đến 90% nhiễm qua đường tình dục, chủ yếu là các cặp vợ chồng, chứ không phải do buôn bán mại dâm. Một thực tế là lý do đẩy những người phụ nữ vào con đường này rất phức tạp, không thể giải quyết một chiều với mong muốn họ quay lại con đường hoàn lương, tránh các tệ nạn cho bản thân và xã hội. Vậy nên, cần thiết kiểm tra thử nghiệm nhiều biện pháp hợp lý để tìm ra cách thức hỗ trợ hợp lý cho nhóm đối tượng này. Câu hỏi ngài Trưởng đại diện đặt ra với Bộ trưởng là liệu khi nền kinh tế Việt Nam có xu hướng tăng trưởng, có khả năng tăng số lượng gái mại dâm không? Đây cũng là nội dung mà các chương trình làm việc của Chính phủ cũng như các bộ, ban ngành khác rất quan tâm. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân đã đánh giá cao cách làm việc thẳng thắn, nhìn nhận vấn đề trực diện để có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa hai bên. Theo Bộ trưởng, mặt trái của xã hội thể hiện ở nhiều mặt như tệ nạn ma tuý, mại dâm, số người nhiễm HIV/AIDS tăng cao… Như vậy, cần có sự chung tay, nỗ lực của nhiều bộ, ban ngành, đoàn thể và người dân trên cơ sở mọi người phải nhận thức đúng đắn đây là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Như đã nói, người phụ nữ đến với hoạt động mại dâm có thể do gặp trắc trở trong đời sống, có thể do nhu cầu kiếm sống, nhưng cũng có một nhóm đối tượng bước vào con đường này do sa ngã, xuất phát từ những nhu cầu cá nhân mà không muốn vận động, kiếm tiền bằng việc làm chân chính. Do đó, giải quyết mại dâm phải đi từ gốc rễ, tức là phải trợ giúp cho những người này một công việc để họ kiếm sống; còn nhóm người buôn bán, lừa bắt phụ nữ phải hành nghề thì cần xử lý nghiêm theo hướng có thể tổ chức các hoạt động kinh tế, xã hội có định hướng, tin chắc sẽ ngăn chặn được việc làm này. Hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có những chương trình dạy nghề, giới thiệu việc làm cho nhóm phụ nữ này tại cộng đồng hoặc tại các lớp học tập trung theo quy định. Bên cạnh đó, cũng phải nhìn nhận rằng, hầu hết phụ nữ theo con đường này thường đến những tỉnh/thành phố lớn tập trung ở các khu công nghiệp, khu chế xuất…, do đó, vai trò của gia đình, cộng đồng dân cư đặc biệt qua trọng trong quá trình giải quyết tệ nạn này, hơn nữa, cần có hướng xem xét, nghiên cứu để nắm được tình hình, số liệu lao động nhập cư - một trong những móc xích dẫn đến loại hình mua-bán dâm, để đưa ra giải pháp thiết thực nhất, có thể là xây dựng những nhà ở cộng đồng, đáp ứng được một số nhu cầu tối thiểu về đời sống văn hoá, tinh thần cho lao động nhập cư như cách chúng ta đã và đang làm… Đăng Doanh (Tạp chí LĐXH)
Xem