Sáng 7/5/2010, tại trụ sở Bộ, Ban Thường vụ Đoàn thanh niên cơ quan Bộ phối hợp với Ban Thường vụ Công đoàn Bộ tổ chức Hội thảo báo cáo chuyên đề “Văn hóa công sở trong đoàn viên thanh niên" nhằm góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính ở các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Tới dự, có Tiến sỹ Lưu Kiếm Thanh - Trưởng khoa Văn bản và Công nghệ Hành chính, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia; Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa - Ủy viên Ban Cán sự, Bí thư Đảng uỷ cơ quan Bộ.
Buổi đàm luận tập trung vào các nội dung chính: Thế nào là văn hoá ứng ứng xử (VHƯX) trong giao tiếp; Nguyên tắc và chuẩn mực về văn hoá ứng xử trong giao tiếp nơi công sở; cách ứng xử phù hợp trong giao tiếp nơi công sở; Giải pháp ứng xử trong một vài tình huống giao tiếp cụ thể; Những luận điểm về mặt khoa học cùng nhiều kinh nghiệm sống xung quanh chủ đề.
Đi từ những khái niệm cơ bản về ứng xử, VHƯX, những biểu hiện cụ thể của VHƯX, Tiến sĩ Lưu Kiếm Thanh cho rằng, đây là một trong những yếu tố phản ánh trình độ văn hoá của một cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trình độ văn hoá lại là một trong những thước đo đặc biệt để đánh giá giá trị của một cá nhân hay cộng đồng. Mặt khác, VHƯX cũng là biểu hiện dễ nhận biết nhất, dễ gây ấn tượng tốt hoặc không tốt về cá nhân, cơ quan ngay từ những tiếp xúc đầu tiên, do đó ảnh hưởng khá lớn đến kết quả công việc của cá nhân hay tập thể đó. Bài thuyết trình cũng nhấn mạnh đến tính cần thiết phải có chuẩn mực về VHƯX trong giao tiếp nơi công sở như những nguyên tắc đảm bảo sự thống nhất về hành vi của cá nhân trong một cộng đồng chung, cố kết một tập thể để tạo nên sức mạnh nội lực cũng như thương hiệu riêng cho tập thể ấy. Không phải ngẫu nhiên mà VHƯX trong giao tiếp là một trong những vấn đề cơ bản được đề cập trong Quy chế Văn hoá công sở được Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2007 và là một nội dung của cải cách hành chính.
Tiến sĩ Lưu Kiếm Thanh cũng đưa ra những gợi ý từ những nguyên tắc chung trong ứng xử giao tiếp nơi công sở cho đến những nguyên tắc ứng xử cụ thể với cấp trên, cấp dưới, đồng nghiệp, các đối tượng khách riêng biệt, ứng xử với môi trường làm việc xung quanh. Bên cạnh đó, một số biểu hiện của VHƯX nơi công sở như ăn mặc, ngôn ngữ, cử chỉ, lời nói... cũng phải được chú trọng và tuân theo những chuẩn mực riêng. Để ứng xử đúng trong môi trường công sở không phải là điều dễ nhưng cũng không phải là điều không thể làm được. Một số bí quyết để thành công trong giao tiếp, giúp cá nhân hoàn thành tốt công việc và nâng cao được giá trị bản thân như: luôn biết mình và hiểu người, tự tin và tôn trọng người khác, ứng xử theo tính nhân văn, thẩm mỹ hoá hành vi và luôn hài hoà các lợi ích liên quan đến quyền lợi.
Cuối buổi thuyết trình, các đại biểu cũng trao đổi nhiều kinh nghiệm cá nhân lý thú liên quan đến những tình huống cụ thể hàng ngày mà họ phải đối mặt và đã ứng xử thành công, được sự đồng tình của mọi người như về: cách thuyết phục đồng nghiệp, cấp trên để bảo vệ ý kiến của mình; cách góp ý với đồng nghiệp như thế nào để có hiệu quả; làm gì khi bị đồng nghiệp hiểu nhầm; làm gì khi sếp nóng tính…
Buổi tọa đàm đem đến những thông điệp có ý nghĩa không chỉ trong phạm vi VHƯX nơi công sở mà còn mở rộng ra cả về VHƯX trong cuộc sống.